Yêu thương như một ly nước

Một li nước quá ngọt hay quá mặn cũng đều khó uống.
Bày tỏ yêu thương cũng giống như pha một li nước, “đong vừa đủ đầy” thì yêu thương mới trọn vẹn hơn.
Chuyện từ những li nước
Uống một li nước lọc, quá đơn giản phải không nào? Nhưng nếu uống một li nước thật nhiều đường thì sao nhỉ? Cố gắng cũng có thể uống được. Còn bây giờ là li nước có thật nhiều muối. Có phải là bạn đã bắt đầu thấy… hoảng? Là một trong 5 bạn đã thử uống cùng lúc 3 li nước này trong chương trình Khi tôi 18 (chủ đề: Nuôi dưỡng tâm hồn và thể hiện tình yêu thương) diễn ra tại tòa soạn báo Mực Tím thứ Bảy vừa qua, Thùy Hoa (lớp 11 trường THPT Thủ Thiêm) cũng trải qua cảm giác tương tự. “Phải nói là khó chịu vô cùng”, Thùy Hoa chia sẻ. Cảm giác “khó chịu” ấy, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long (Giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM), cũng giống như việc bạn bày tỏ yêu thương với một ai đó. Quá mạnh mẽ, quá cuồng nhiệt dễ khiến người khác “ngợp”. Ngược lại, thù ghét hay cay nghiệt chỉ làm người khác xa cách bạn mà thôi.
Các teen tham gia thử thách Đong vừa đủ đầy
Đông đảo bạn đọc đến tham dự chương trình
Một bạn đọc chia sẻ với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long về tiêu chuẩn của “người hoàn hảo” thời hiện đại
Tất nhiên, không ai muốn những điều vừa nêu lại xảy ra với mình. Nhưng để làm sao có thể “đong cho đủ đầy” yêu thương lại là chuyện chẳng dễ dàng. Thay cho một lời khuyên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long dẫn dắt các teen quay trở về thời thơ ấu với những hình ảnh như chiếc lục lạc, búp bê… Tiếp đó, các bạn có dịp hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp với bạn bè, người thân, trước khi chia sẻ ước mơ, khát vọng bản thân. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, sống trong sự yêu thương, biết hồi tưởng, trân trọng và quý những kỉ niệm đẹp, biết ước mơ, khao khát chính là những điều teen có thể làm để nuôi dưỡng thế giới nội tâm, tạo nên bản lĩnh để chấp nhận hay chối bỏ những gì tác động đến mình.
Hãy yêu thương khi bạn còn có thể
Tham dự chương trình, Ngọc Diệp (18 tuổi, Sinh viên năm 1 Đại học Kinh tế TP.HCM) đã giải tỏa được nỗi “lăn tăn” bấy lâu của mình: “Yêu thương chính mình, xem bản thân là ưu tiên số một có phải là thái độ sống ích kỉ?” Bởi theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, xem bản thân để bạn biết quý trọng cuộc sống của mình để không hủy hoại; có đủ sức khỏe và tinh thần làm chỗ dựa cho người thân,... ”Càng lớn, người ta càng có suy nghĩ quên mình để sống cho người khác. Điều đó cũng tốt nhưng sẽ ra sao nếu bạn vì yêu mù quáng một ai đó mà sẵn sàng từ bỏ cả mạng sống của mình? Sẽ ra sao nếu gia đình mất đi người con duy nhất chỉ vì từ chối sự yêu thương của bạn?”, Thạc sĩ Long phân tích thêm.
Còn với Thùy Hoa và Hồng Đức (lớp 12 trường Giồng Ông Tố, Q.2) thì chương trình thật sự khiến hai bạn “giật mình” khi nghĩ về những gì đã làm với cha mẹ trong thời gian qua. “Thời gian mình trò chuyện với ba mẹ còn ít hơn thời gian mình ngồi bên máy tính”, Thùy Hoa bộc bạch. Còn Đức Tú thì buông lời hờn trách khi mẹ không cho đi chơi. Nhưng cũng chẳng cần đợi lâu, cả hai cũng đã cho thấy sự thay đổi. Thùy Hoa rất vui vẻ kể với mẹ về những điều được trải qua trong chương trình ngay khi về nhà. Khi ấy cô bạn đã thấy mẹ cười thật tươi. Trong khi anh chàng Hồng Đức thì “cam kết” ôm ba mẹ và nói câu “con yêu ba mẹ”.
“Một li cà phê tuyệt vời khi nó vừa có một chút đắng của vị cà phê, một chút mặn của muối, một chút ngọt của đường. Cuộc sống cũng vậy, mọi thứ chỉ hoàn hảo khi được đong vừa đủ đầy”, lời chia sẻ sau cùng của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long dường như cũng trở thành một li nước mát lành dành tặng cho những ai tham dự chương trình. Bởi khi ra về, trên mặt các bạn, đều lấp lánh nụ cười và tràn ngập yêu thương…

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét