Trong quán cà phê

Quán cà phê có ăn sáng, ở khu dân cư, với đa số là người có học, làm việc ở công ty hay cơ quan Nhà nước. Ba khách bước vào trong quán, vào cuối tuần, tìm thanh thản sau cả tuần làm việc căng thẳng giữa lúc kinh tế đang phập phù này.
Nhưng hôm nay, cả ba thấy thất vọng. Ngồi quán lâu nay vốn yên tĩnh, hôm nay, có một nhóm khách trẻ độ 18 – 19 tuổi, ngồi ăn uống trong một góc. Cả nhóm, nữ nhiều hơn nam, ra vẻ là sinh viên, với mặt mày sáng sủa, kính cận chống tia tử ngoại, vừa ăn vừa đùa giỡn, trêu chọc nhau. Thỉnh thoảng, một tràng cười rú lên sảng khoái. Họ đang thưởng thức tối đa tuổi trẻ sôi nổi của mình.
Vài khách ngồi gần vội vã ăn cho xong, rồi đứng dậy. Hai ông khách tóc điểm bạc, dời ra ngồi ở góc thật xa. Một anh bạn trong nhóm ba người bảo: “Để tôi qua nói chuyện với tụi nó một tiếng!”. Cô bạn gái ngăn lại: “Thôi kệ, anh. Chẳng ăn thua gì đâu!”. Anh này bực bội nhưng ngồi yên. Anh thứ hai, tuổi trung niên, nói: “Mỗi bàn ăn có một không gian riêng để nói chuyện vừa đủ nghe. Mấy cô cậu này coi như chiếm hết không gian của người khác”.
Cả ba ăn uống cho xong nhưng không thể đứng dậy vì còn đợi một người nữa đang đến. Nhóm thanh niên bên kia thỉnh thoảng lại gào lên phấn khích, chuyền tay nhau xem clip trên smart-phone. Anh bạn ban đầu nhờ nhân viên phục vụ nhắc giùm bàn kia nên nói chuyện nhỏ thôi. Cô nhân viên ngần ngừ rồi lỉnh vào trong. Cô chỉ  là sinh viên đi làm thêm, nhắc để khách bỏ đi thì mệt với ông chủ.
Anh bạn thứ hai trong nhóm ba người kể: Tôi vừa tổ chức họp nhóm bạn học trung học cách nay 15 năm. Nhóm ba chục người, hầu hết đều học xong đại học và có nhiều người thành đạt. Khi đặt bàn, không còn phòng ăn riêng nên tôi đặt trong phòng ăn, ngồi chung với vài bàn khác. Buổi ăn rất ổn, cho đến khi một bạn lấy cây guitar ngẫu hứng mang theo để chơi. Dăm bạn cất tiếng hát to trong không khí ồn ào đó. Nhân viên đến và xin lỗi là xin khách đừng hát vì đây là phòng ăn chung, ảnh hưởng đến thực khách khác. Vài ba người trong bàn sừng sộ với nhân viên, quát đòi gặp ông chủ. Tôi phải nói rõ: Đây là phòng chung, nên có thể làm phiền người khác đang ăn bàn bên kia. Chúng ta nên để khách về hết, nếu thích thì có thể hát. Tôi đã bất ngờ vì suy nghĩ của bạn bè mình, về một việc hiển nhiên như thế.
Anh nói tiếp: Nên không nên hy vọng các thanh niên trẻ nghĩ ra mình đang làm gì, nếu như có những người lớn, gần 40 tuổi, có học, vẫn không nghĩ ra cách ứng xử đúng nơi công cộng. Nhận thức về cuộc sống là chuyện lớn, hay biết cách ứng xử hằng ngày là chuyện nhỏ, đều phải đuợc dạy và học từ mỗi nhà. Chúng ta mong gì ở một lần nhắc nhở như hôm nay?
Anh chợt nhớ chuyện ngoài quê anh, một thị trấn ven biển hiền hòa, xinh đẹp, với biển xanh, hải sản phong phú và những vườn xoài. Mới cách nay vài ngày, mẹ anh vào chơi và bảo: Quê mình giờ càng có nhiều người vào Sài Gòn sống. Họ bảo ở đâu cũng có những cái tiện và bất tiện. Nhưng ở ngoài đó, xoài trồng nhiều quá. Mỗi ngày thuốc trừ sâu được phun ra, thấm xuống đất từng chút một. Bệng ung thư trong dân ngày càng nhiều lên từ khi phát triển những vườn xoài. Dân quê mình giàu lên rất nhiều, ai cũng vui nhưng với những người hiểu biết điều gì đang xảy ra chung quanh, cuộc sống lại đầy lo âu. Mẹ không muốn rời quê nhưng chưa biết phải thế nào?
Phải, không ai biết thế nào! Có những mầm mống bệnh lan ra dần, vô hình như lớp sương bảng lảng trên nhánh cao nhất của ngọn xoài. Khi con người xem mình là trung tâm, khai thác cá tính, mê man hưởng thụ và thỏa mãn cái tôi, dù một việc nhỏ nhất. Rồi nó thấm dần đến thế hệ sau, như giọt mực qua mấy lần giấy thấm vẫn còn vết.
ST

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét