Người bạn mùa Thu

Mùa Thu. Thời tiết dịu mát. Nhưng ngày còn bé, cứ vào đầu Thu, tâm trạng tôi lại… không vui. Với những đứa trẻ con làng quê thời chưa biết đến chạy “sô” học thêm thì ba tháng Hè thật tuyệt vời.
muathu2
Tôi được thả mình vào dòng sông nước mát rười rượi, giăng câu, đá bóng… mà không bị ba mẹ cằn nhằn, la rầy hay đánh đòn. Mùa Thu đến, đồng nghĩa với những ngày vui ấy kết thúc. Tôi phải đi học. Với tôi đi học là một cực hình. Mẹ tôi bảo rằng, trẻ con thì phải đi học để có tương lai. Mà tương lai là gì? Là một cái gì đó xa vời. Nó không thể là lý do thuyết phục để tôi đến với lớp một cách tự nguyện. Đó là chưa kể ba mẹ tôi thường hay cáu hơn mỗi khi năm đứa con đồng loạt chìa bàn tay xin tiền đóng học phí. Điều đó làm anh em tôi không vui tẹo nào. Vậy nên, thời khắc giao mùa là khi trong tôi cảm xúc rối bời nhất.
Ngày còn nhỏ, tôi không quậy phá, nhưng nổi tiếng là đứa ham chơi. Việc học hành của tôi chưa bao giờ giỏi bằng chuyện câu cá, đá bóng. Con đường đến trường của tôi đi qua một cánh rừng nhỏ. Tôi sợ những đứa trẻ sống ven rừng chặn đường dọa nạt. Con đường đến trường chứa đựng cả sự nguy hiểm. Tôi ghét những giờ tập đánh vần của lớp Một. Làm toán, tôi lại càng tệ hơn. Cô giáo tôi thường lấy kẹo ra để làm toán kiểu như “Một cái kẹo cộng hai cái kẹo bằng bao nhiêu kẹo?”. Nhưng với tôi, kẹo là thứ xa xỉ, gây thèm thuồng. Bởi vậy, bài toán nào có kẹo làm đơn vị, thể nào tôi cũng nghĩ đến kẹo nhiều hơn làm toán. Cô giáo hỏi đáp án, mặt tôi cứ đờ đẫn ra. Trình độ tập đọc của tôi cũng không khá hơn là mấy. Tôi đổ lỗi cho mùa Thu. Vì mùa thu, tôi phải đi học.
Năm lớp Hai, tôi bị “mất căn bản” như lời cô giáo phê, không theo kịp chúng bạn. Ba mẹ tôi rất buồn. Cô giáo cử cậu bạn lớp trưởng học giỏi kèm tôi mỗi ngày. Tôi được cậu bạn “chăm sóc” kỹ từng phép tính, từng cách đánh vần. Cậu bạn chê bai làm tôi xấu hổ mỗi khi đọc sai. Nhưng cậu ta cũng biết khích lệ những khi tôi đọc bài hay làm toán đúng. Từ đó, tôi có người bạn đi chung đường. Tôi không còn sợ bị bắt nạt. Con đường mòn băng qua cánh rừng đến trường với tôi thú vị hẳn lên. Tôi và bạn tự mở cho mình những lối đi khúc khuỷu. Chúng tôi thấy tự hào vì mình đi con đường vừa bí mật, vừa tiết kiệm thời gian. Tôi đã bắt đầu biết dừng lại lắng nghe tiếng chim khuyên ríu ran trên tán cây cổ thụ sau trường.
Từ khi có cậu bạn trợ giúp lấy lại “căn bản”, tôi thấy việc học trở nên thú vị hơn. Những tấm giấy khen và phần thưởng đầu tiên tôi có được làm ba mẹ tôi mừng lắm. Những giọt mồ hôi trên nương không còn là sự nặng nhọc. Nơi mái trường đó, tôi có những kỷ niệm. Tôi có những người bạn thân gắn bó đến bây giờ. Từ đó, những ngày vào Thu, tựu trường đối với tôi là cả một mùa đáng để đợi chờ.
Rồi mùa Thu tôi chờ đợi nhất là mùa đầu tiên tôi được đến giảng đường. Ba mẹ tôi chắc chắn là những người vui nhất. Riêng tôi, đây là mùa Thu đầu tiên tôi biết mình cần phải học để làm công việc gì đó cụ thể. Trường học của tôi bây giờ không còn là dãy nhà lụp xụp cạnh bìa rừng nữa. Nó là một tòa nhà còn cao hơn cả cổ thụ ở làng quê. Tôi bước đến giảng đường đầy lạ lẫm. Lòng lại rộn lên những cảm xúc như những ngày đầu tiên đi học. “Mùa Thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha…” – hai câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi không vang lên giữa núi rừng nhưng vẫn rộn ràng lòng người giữa phố xá nhộn nhịp.
Tôi viết những dòng này vào những ngày giảng đường đang háo hức đón tân sinh viên và sinh viên đang háo hức trở lại giảng đường. Viết để tỏ bày cùng “người bạn mùa Thu” mà có một quãng đời, tôi từng ghét bỏ. Viết để cảm ơn “người bạn Mùa Thu” của tôi luôn mang đến cho tôi những cơ hội mới, những sự đổi thay cần thiết của cuộc đời. Khi tôi đủ khôn ngoan để nhận ra con đường mình đi, đủ tự tin và mạnh mẽ để thích nghi được với những thay đổi, thì mùa Thu càng lãng mạn, ý nghĩa và đáng chờ đợi biết bao.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét