Teen 12 dưới một góc nhìn thú vị

Thử quan sát ở một góc độ khác, ta sẽ thấy cuộc sống của teen cuối cấp không chỉ gói gọn trong chữ “học”.

Không áp lực điểm số, quan trọng là kiến thức

Tâm lý của mỗi teen 12 chỉ lo tập trung vào những môn chính, nên nếu có xui xẻo dính con "zero" to đùng thì có những bạn không hề buồn chút nào, miễn sao những môn ngoài môn chính điểm trên mức trung bình là được. Lớp 12 cần kiến thức là chính chứ không phải là cần điểm số để ganh đua nữa.

Ít làm phiền đến thầy cô

Chỉ còn một năm này nữa là xa lớp rồi nên tâm lý teen 12 thường cố gắng hạn chế những trò nghịch ngợm. Không lẽ năm cuối mà để lại ấn tượng xấu trong mắt thầy cô, bạn bè, như thế thì rất xấu hổ.

Teen 12 dưới một góc nhìn thú vị 1

Cho bạn mượn tài liệu, giúp đỡ trong khi kiểm tra

Việc học trong lớp không còn bị áp lực, nhiều bạn sẵn sàng cùng nhau trao đổi những tài liệu, những kinh nghiệm quý báu trong học tập, cùng nhau động viên nhất định phải đậu ĐH. Trong một lớp thường sẽ có nhiều bạn chọn khối thi khác nhau, thế là những tiết kiểm tra những bạn khối A sẵn sàng bày cho bạn khối C, D và ngược lại, tinh thần đoàn kết phát huy hết mức.

Hạn chế giận hờn

Năm cuối ai cũng muốn có thật nhiều kỉ niệm với bạn bè, đừng vì những chuyện nhỏ nhặt mà gây rạn nứt tình cảm với nhau. Những hiểu lầm, giận hờn nên trực tiếp trao đổi thẳng thắn với nhau chắc không ai nhỏ nhen tới mức, bạn mình xuống nước làm hòa mà mình lại cứ cố chấp không tha thứ được, xí xóa nhé.

Không cảm thấy quá đau khổ khi nhận được lời chia tay

Tình cảm những năm cuối cấp thật mong manh, bản thân mỗi teen 12 phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, trường lớp, bản thân. Nếu như người đó không thông cảm được cho mình, không động viên mà lại khiến cho mình cảm thấy ngột ngạt thì tốt nhất nên chia tay để tập trung cho việc học. Và nỗi buồn chia tay với teen 12 cũng nhanh chóng bị “vùi” vào những bài kiểm tra, những buổi "chạy sô" đi học thêm và cả những chuyến đi chơi cùng với lớp. Như thế nổi buồn chia tay trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tương lai của ta đang đón chào ở phía trước.

Teen 12 dưới một góc nhìn thú vị 2

Những lúc rảnh rỗi không còn lang thang mà chỉ muốn ở nhà

Nhớ những lúc trước cứ hễ rảnh rỗi chút là lại phóng xe đi chơi với bạn bè, bỏ mặc những bữa cơm gia đình. Bây giờ cuối cấp mới thấm thía những giây phút ở bên gia đình biết bao. Sau này lên thành phố học sẽ chẳng còn ai thúc giục mình ăn cơm, không ai lo lắng quan tâm tới từng giấc ngủ, nỗi nhớ nhà ngập tràn trong tâm trí. Thế nên, ngây bây giờ teen nên trân trọng những phút giây ở bên gia đình.

Không quan tâm đến người khác nói xấu sau lưng

Nếu như người đó đã không biết tôn trọng bạn bè thì mình cũng không nên quan tâm đến làm gì, những lời nói xấu ấy cũng chẳng đáng để mình phải buồn. Quan trọng là ta sống thật, không làm gì phải hổ thẹn là được rồi. Năm cuối này còn rất nhiều chuyện quan trọng hơn rất nhiều hơn việc để ý những lời nói xấu như vậy.

Dẹp bỏ những cơn say nắng và nổi buồn vu vơ

Thời gian này không phải là lúc để teen "cảm nắng" vu vơ, hãy giấu tình cảm ấy đi sau này khi thi đại học xong hãy bộc lộ cho người ta biết. Và cũng đã qua rồi những ngày tháng mơ mộng, phải nhìn vào thực tế mình đang cần gì để cố gắng hết sức. Cái gì của ta thì trước sau gì nó sẽ vẫn thuộc về ta mà thôi.

Lúc stress hãy dẹp tất cả qua một bên và đi chơi

Việc học tuy rất quan trọng nhưng để nó thật sự có hiệu quả thì tâm trí phải thỏa mái, nếu không như vậy thì dù có ngồi vào bàn học thì cũng không thể “nhét” chữ vào đầu được. Lúc này, hãy dẹp hết chuyện bài vở sang một bên, alo cho bọn bạn đi chơi một bữa hoặc tự thưởng cho mình những niềm vui khác như đi shopping chẳng hạn. Đó là những cách xả stress rất hiệu quả.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Chia sẻ của những SV học ngành du lịch

Mức thu nhập của nghề hướng dẫn viên du lịch lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng, bù lại vất vả của nghề và của ngành Du lịch nói chung không phải ai cũng chịu đựng được.

Tốc độ phát triển của ngành Du lịch thời gian gần đây, kéo theo nhu cầu ngày càng gia tăng về nguồn nhân lực. Những con số về lượng khách du lịch không ngừng gia tăng trong những năm qua là tín hiệu vui cho nền "công nghiệp không khói" này. Tuy nhiên, dù mức thu nhập của nghề hướng dẫn viên lên đến vài chục triệu đồng mỗi tháng, nhưng các đơn vị lữ hành vẫn không tìm đủ ứng viên so với nhu cầu thực tế về cả số lượng và chất lượng bởi những khó khăn, vất vả của nghề không phải ai cũng chịu đựng được.

Với ý nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau, không ít bạn đã ước mơ trở thành một hướng dẫn viên du lịch hoặc theo đuổi một nghề nào đó thuộc ngành này.“Khám phá những vùng đất mới, những nền văn hóa mới, con người thú vị… là mong ước cháy bỏng của mình từ rất lâu rồi. Thế nên khi thi đậu vào khoa Du lịch, mình mừng lắm. Nó là khởi đầu thuận lợi để mình từng bước thực hiện ước mơ” - Lê Thị Thu Hường sinh viên năm hai của khoa Du lịch, ngành Quản trị Dịch vụ Lữ hành, trường ĐH Văn Hiến TP.HCM chia sẻ lý do mình học ngành Du lịch hiện tại. 

Chia sẻ của những SV học ngành du lịch 1
Lê Thị Thu Hường sinh viên năm hai của khoa Du lịch ngành Quản trị Dịch vụ Lữ hành, trường ĐH Văn Hiến TP.HCM

Tuy nhiên với những chuyến đi dài ngày, thời gian làm việc luôn thay đổi… là những mặt trái của nghề thì không phải ai cũng hiểu. Đã có rất nhiều bạn bị gia đình phản đối khi lựa chọn ngành học này bởi những bậc phụ huynh luôn muốn con mình làm nghề gì đó an nhàn hơn việc vắng nhà thường xuyên, thời gian dành cho gia đình rất ít, di chuyển nhiều, ăn nhanh, uống nhanh, áp lực phải chăm sóc và hòa giải nhiều mối quan hệ một lúc... khiến cho sức khỏe ảnh hưởng. Làm nghề hướng dẫn viên bạn có thể bị mất ngủ, khó thích nghi với việc thay đổi múi giờ nếu hành trình của bạn là những chuyến đi dài, vượt đại dương. Đôi khi bạn còn phải đứng ra thông dịch hay làm chứng, giải quyết các vấn đề rắc rối của khách du lịch trong mỗi chuyến đi, điều này có thể khiến bạn không phải là người gây ra rắc rối nhưng luôn là người phải gánh chịu. 

Do vậy, hướng dẫn viên du lịch phải tự trang bị cho mình những kiến thức văn hóa, ngoại ngữ tốt, hiểu biết phong tục các nơi và một bản lĩnh nghề nghiệp để ứng phó với bất kỳ tình huống phát sinh nào trong suốt thời gian dẫn tour ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mặc dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng: “Để chuẩn bị hành trang khi ra trường, ngoài niềm say mê đối với những trang sách, Hường còn rất đam mê đi du lịch bụi và thường cùng bạn bè tổ chức đi du lịch ở những địa điểm mới. Trong những chuyến đi ấy, bao giờ Hường cũng tìm hiểu về lịch sử văn hóa, địa lý, những câu chuyện truyền thuyết… của vùng đất Hường đặt chân tới. Vừa thỏa mãn đam mê mà còn là hành trang quý báu cho nghề nghiệp của Hường sau này…” Thu Hường chia sẻ.

Chia sẻ của những SV học ngành du lịch 2
Tham gia nhiều hoạt động tích lũy kinh nghiệm từ khi đi học là điều rất có ích đối với những bạn muốn theo đuổi ngành này.
Bên cạnh việc học tập ở trường ra, để theo đuổi và dễ dàng thành công, nhiều bạn đã phải vừa học vừa làm để tích lũy kinh nghiệm. Vì vốn dĩ nghề này cần rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế thì khi ra trường mới dễ dàng được nhận vào một công ty nào đó. Điển hình là bạn Thu Hường, những lần tham gia các lớp tập huấn cán bộ đoàn hội trại thanh niên ,vì đàn em thân yêu… và từng đoạt giải Nhì 2 năm liên tiếp tại hội thi thuyết trình hướng dẫn du lịch chính là những trải nghiệm giúp cho Hường vững tin khi ra trường. Thu Hường chia sẻ thêm: "Các bạn đang có ước mơ tương lai bước vào ngành Du lịch thì ngay từ bây giờ nên rèn luyện sự năng động, nhanh nhẹn, hoạt bát, kỹ năng thuyết trình truyền cảm thu hút người nghe của mình từ chính những cuộc thi thường niên do nhà trường tổ chức. Những cuộc thi, hoạt động thanh niên… sẽ rất bổ ích với sinh viên như Hường bởi nó không chỉ là sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao sự tự tin, năng động, nhanh nhạy mà còn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho Hường và các bạn khác một cách thiết thực nhất, cách dung nạp kiến thức nhanh, hiệu quả hơn cả”. 

Chia sẻ của những SV học ngành du lịch 3
Việc học tập những thầy cô là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ trong ngành tại các trường truyền đạt kiến thức, thắp lửa nhiệt huyết, niềm đam mê với kiến thức chính là nền tảng vững chắc cho những ai đang ước mơ theo đuổi ngành này.  Nhà trường luôn tạo cơ hội cho sinh viên được ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn, tạo điều kiện cho đi theo tour du lịch của các công ty du lịch để phụ làm hướng dẫn viên và học hỏi kinh nghiệm… Mặt khác, ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, là một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn… đội ngũ nhân viên ngành du lịch có khả năng nghe nói tốt bằng tiếng Anh sẽ góp phần thu hút và phục vụ tốt cho nhiều khách du lịch nước ngoài, làm họ hài lòng để giữ họ lưu trú dài ngày hơn, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt, đất nước Việt đến với bạn bè thế giới. 

Du lịch Việt Nam đang có nhiều cơ hội trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng. Bạn trẻ yêu thích ngành này cần phải tham khảo, chọn lựa môi trường đào tạo chất lượng uy tín để có thể chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết cho niềm đam mê của mình.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Một góc của riêng mình

Năm tôi sắp lên lớp Mười Một, theo gợi ý của cậu Sáu, ba má cho tôi vô thành phố sống ở nhà cậu để có điều kiện học hành tốt hơn. Tôi rất hào hứng với chuyến đi. Nhà cậu Sáu rộng rãi, lại ở ngay mặt tiền đường lớn, đi đâu cũng thuận tiện. Nhờ mối quen biết, cậu hứa sẽ dễ dàng xin được cho tôi vào một trường trung học có tiếng. Nói chung là chẳng có gì phải đắn đo trước một thay đổi tốt đẹp như vậy.
Mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch. Cậu mợ rất hào hứng khi có thêm tôi là thành viên trong nhà. Cậu Sáu cứ nhắc hoài hồi xưa má tôi làm lụng vất vả, hy sinh cho mấy em ăn học thành tài. Nay có dịp thì cậu sẽ lo cho tôi để chị Hai vui. Tôi được dành hẳn một căn phòng ở lầu ba, nhìn xuống con đường tấp nập người qua lại. Khi tôi chạy xuống bếp xin mợ Sáu cho tôi phụ làm việc nhà, mợ xua đi ngay. Cậu mợ Sáu bận rộn với công việc kinh doanh vải nên đã nhờ sẵn một chị giúp việc bếp núc và coi sóc hai thằng nhỏ. Nói tóm lại, sống với cậu mợ, tôi chỉ cần học hành giỏi giang mà thôi.
Mừng có thêm thành viên mới, cậu Sáu tậu dàn karaoke hoành tráng. Tối nào mọi người cũng tụ tập hát hò. Cuối tuần mợ Sáu lại cho cả nhà đi ăn nhà hàng, tới rạp coi phim hoặc coi kịch hài. Chưa kể sau khi ngó qua mấy bộ đồ ít ỏi và sơ sài của tôi, mợ lắc đầu, nhất định dẫn tôi đi rảo các shop thời trang, mua sắm tủ quần áo mới. Hơn một tháng là tôi thấy mình trở thành người thành phố thiệt rồi. Nỗi lo bị xung quanh cười chê là “phèn”, là “lúa” bay biến không còn nữa.
“Hơn một tháng là tôi thấy mình trở thành người thành phố thiệt rồi. Nỗi lo bị xung quanh cười chê là “phèn”, là “lúa” bay biến không còn nữa…”
Niềm vui và hứng thú xẹp dần khi nhập học. Ở trường mới, năm học bắt đầu từ giữa tháng Tám. Bạn bè khá thân thiện với tôi. Nhưng tôi sớm nhận ra mối quan tâm lớn nhất của các bạn không giống như tôi nghĩ. Các bộ phim mới, quán xá, quần áo thời trang ít được nhắc tới. Ai cũng chú trọng việc học. Sau kết quả kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm, không khí trong lớp càng trở nên cạnh tranh. Tôi bắt đầu hiểu, nếu không chứng minh được mình, tôi sẽ trở thành một người thua sút, lạc lõng trong một tập thể toàn những người mạnh mẽ và học giỏi.
Ở trường về, tôi ngồi ngay vô bàn học. Nhưng cửa phòng đã đập rầm rầm. Hai nhóc em họ xông vào, rủ tôi chơi rượt đuổi. Một loáng đã tới giờ cơm chiều. Bữa ăn kéo dài, mợ Sáu rủ ngồi lại, coi tiếp tập cuối bộ phim truyền hình hấp dẫn. Tối thì tiếng karaoke ở tầng dưới vọng lên. Tôi không sao tập trung được vô dãy phưong trình Hoá học và mấy bài tập ngữ pháp tiếng Anh. Cứ thế, điểm số các môn ở trường của tôi chỉ dừng ở mức trung bình, có khi sụt thấp hơn. Không còn lo lắng nữa mà tôi cảm thấy sợ lắm. Nếu ở thành phố mà học còn sút hơn ở nhà, thì làm sao đậu đại học? Ba má và cậu mợ Sáu sẽ nghĩ gì, sẽ thất vọng thế nào?
Một buổi chiều được về sớm, đi bộ ngang qua một tiệm cà phê bánh ngọt nhỏ ở góc phố, tôi bỗng nhìn thấy tấm bảng treo trước cửa: tuyển nhân viên phục vụ. Một ý tưởng lóe lên. Tôi mạnh dạn đẩy cửa, vào gặp bác chủ tiệm và thế là tôi được nhận vào làm theo ca.
Cậu mợ Sáu đều sốc khi biết tôi xin việc làm thêm. Cậu sẵn sàng cho thêm khoản tiêu vặt. Nhưng tôi chỉ giải thích rằng tôi muốn được làm quen với tính tự lập. Còn lý do nữa tôi không thể nói ra với cậu mợ, đó là tôi muốn có một không gian yên tĩnh để học hành.
Nghe có vẻ kỳ lạ khi tìm một chỗ học nghiêm túc ở nơi làm thêm, lại là tiệm cà phê. Nhưng thực sự mọi việc đúng như tôi mong đợi. Bác chủ tiệm lớn tuổi rất hiền. Quán hầu như chỉ đông khách vào buổi trưa. Công việc của tôi là phục vụ thức uống và đồ ăn trưa theo yêu cầu của khách. Những lúc khác, tôi được ngồi trong góc khuất sau kệ báo và mấy chậu cây để học bài, có việc gì bác chủ sẽ gọi. Khách đến tiệm hầu hết là các anh chị nhân viên văn phòng nên rất ít khi có chuyện ồn ào. Với không khí yên tĩnh đó, tôi học mọi thứ dễ dàng. Tôi còn biết tranh thủ thời gian để làm bài tập nhanh, tận dụng từng phút giữa lúc mang đồ uống ra cho khách và lúc tính tiền để học thuộc một vài từ tiếng Anh mới. Không phải liền tức khắc, nhưng từng bước một, tôi thấy mình khá lên. Tôi đã có vài điểm chín, điểm mười đầu tiên trong ánh mắt động viên của các bạn cùng lớp.
Suốt năm cuối cấp bận rộn, tôi vẫn đến tiệm cà phê. Tôi cũng không xin tiền tiêu vặt của ba má hay cậu Sáu nữa vì đã có tiền làm thêm rồi. Bữa nào lãnh lương, tôi lại dẫn hai thằng em họ đi ăn kem, chơi điện tử. Cậu mợ Sáu thôi trách móc khi thấy tôi vui vẻ, tự tin, và quan trọng nhất là điểm số trong sổ liên lạc luôn trên mức khá.
“Bản nhạc trên loa được vặn khẽ, để tôi tập trung cho bài vở. Trong cái góc nhỏ vừa chung vừa riêng đó, tôi đã thu lượm kiến thức để vượt qua các kỳ thi thật hài lòng”
Gần đến kỳ thi tốt nghiệp và chuẩn bị thi đại học, tôi xin bác chủ tiệm nghỉ làm. Như một món quà nhỏ bất ngờ, bác bảo tôi đừng ngại, không làm cũng được, nhưng cứ đến tiệm mà học. Tôi sẽ không bao giờ quên những giờ ngồi cạnh bức tường kính, nắng sáng chiếu lên trang tập. Bản nhạc trên loa được vặn khẽ, để tôi tập trung cho bài vở. Trong cái góc nhỏ vừa chung vừa riêng đó, tôi đã thu lượm kiến thức để vượt qua các kỳ thi thật hài lòng.
Khi viết lại câu chuyện này, tôi đang là sinh viên năm nhất. Tôi vẫn đến tiệm cà phê thân quen khi có việc cần suy nghĩ, hay khi cần một nơi gặp gỡ trò chuyện với đám bạn thân. Không mình tôi đâu, mà các bạn tôi ai cũng từng có góc riêng nho nhỏ: Một chỗ ngồi ở thư viện. Một gốc cây trong công viên. Có khi là cái bàn học trong ngôi nhà chật… Không nhất thiết phải tiện nghi rực rỡ, giản dị thôi cũng được, ai cũng cần tìm một nơi để được là chính mình. Ở đó, mỗi người đều lặng lẽ thay đổi và trưởng thành lên.

                                                                   Huỳnh Thư

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

Để không ai còn ngủ gật khi bạn thuyết trình

Không bất động và gò bó  với một không gian hữu hạn nhàm chán, Prezi chính là nơi cho bạn thỏa sức sáng tạo, vùng vẫy trong một không gian trình chiếu 3D. Hãy cùng Prezi thổi một luồng gió mới vào giảng đường cùng những bài thuyết trình trên cả mơ ước.
Prezi là gì?
Nhắc đến giảng dạy hay thuyết trình cùng máy chiếu,  99% cụm từ đầu tiên xuất hiện trong đầu chúng ta sẽ là “Power Point”.  Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và mong muốn đáp ứng những nhu cầu thiết thực của cuộc sống, Prezi – một công cụ hữu ích đã ra đời. Với  sứ mệnh làm nên một cú nhảy vọt trong nhận thức của sinh viên về kỹ năng thuyết trình, Prezi đã làm nên thương hiệu của mình trong cộng đồng  sinh viên Mỹ, Hàn Quốc sau bốn năm ra đời. Tuy nhiên với sinh viên Việt Nam, Prezi vẫn còn là một khái niệm trìu tượng.
Prezi khiến mọi bài thuyết trình trở nên sống động hơn bao giờ hết
Prezi khiến mọi bài thuyết trình trở nên sống động hơn bao giờ hết
Tại sao tôi nên dùng Prezi?
Không cần giới thiệu nhiều, Power Point hẳn đã gắn liền với đời sống học đường của sinh viên Việt Nam bao năm nay. Power Point cho phép người sử dụng thiết lập từng từng trang với bố cục trình bày rõ ràng thông qua việc tạo từng slide; khi trình chiếu phải lật từng slide tới khi việc thuyết trình kết thúc. Tuy nhiên, dù có thể chèn ảnh, video hay âm thanh, việc trình chiếu bằng Power Point vẫn khiến người xem cảm thấy nhàm chán bởi tính thụ động và cố hữu.
Đừng khiến người nghe rơi vào trạng thái "như thế này" mỗi khi nghe xong bài thuyết trình của bạn
Đừng khiến người nghe rơi vào trạng thái “như thế này” mỗi khi nghe xong bài thuyết trình của bạn
Khác hoàn toàn với Power Point, Prezi không bắt người xem phải theo dõi bài thuyết trình theo một trình tự nào cụ thể. Không còn là hang loạt trang slide chạy dài, thay vào đó, Prezi mang đến bài thuyết trình qua một đoạn phim flash. Tất cả bài thuyết trình đều hiện lên trên một trang duy nhất gọi là giao diện chung. Trên giao diện chung đó, ta có một không gian 3D để dựng những khung hình ở trên, dưới, trước, sau tùy theo nhu cầu sử dụng. Có thể ví giao diện chung của Prezi giống như một dải ngân hà mà các đề mục lớn nhỏ được sắp xếp tùy ý như những hành tinh với đầy đủ hình thù, màu sắc, âm thanh. Tại mỗi đề mục, khi zoom vào cận cảnh, ta có thể đọc được nội dung bài thuyết trình được phóng to,  lật xuôi , lật ngược như những đoạn phim hoạt họa ngộ nghĩnh. Prezi theo một cách khác, chính là sơ đồ tư duy được thiết lập để kết nối người thuyết trình và khán giả.

Trở thành đại sứ Prezi – kết nối thế giới với ngôi trường của bạn
Năm 2012 là năm đầu tiên Prezi tổ chức cuộc thi tìm kiếm Đại sứ Prezi (Prezi ambassador) ở mỗi quốc gia trên toàn thế giới. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của hàng triệu thí sinh đến từ khắp mọi vùng lãnh thổ. Điều kiện để trở thành đại sứ của Prezi rất đơn giản: Bạn chỉ cần là sinh viên đại học, có niềm đam mê với Prezi và mong muốn phát triển công cụ độc đáo này trong cộng đồng sinh viên tại ngôi trường bạn đang gắn bó. Khả năng sáng tạo, kết nối và truyền cảm hứng chính là điều cần thiết nhất ở một Đại sứ mà Prezi tìm kiếm.
Một ứng viên trong chương trình Tìm kiếm đại sứ Prezi
Một ứng viên trong chương trình Tìm kiếm đại sứ Prezi
Năm 2012, nhờ có dự án tìm kiếm Đại sứ mà mức độ phủ sóng của Prezi đã nhân rộng và lan tỏa với mức độ chóng mặt. Đại sứ Prezi đã xuất hiện ở khắp nơi, tiêu biểu ở các quốc gia, lục địa như Mỹ, Canada, Châu Âu, Châu Phi, Châu Á… với những đại sứ đều là những gương mặt sinh viên trẻ tuổi, nhiệt huyết và tài năng.
Với tiêu chí cứ mỗi tháng kết nạp hơn 1000 người sử dụng Prezi và cứ mỗi giây lại có 1 bản thuyết trình bằng Prezi ra đời, cộng đồng Prezier đang lớn mạnh và có xu hướng trở thành “kẻ bá đạo” trong lĩnh vực thuyết trình. Năm 2014 sắp tới, liệu bạn có đủ tự tin để đăng ký trở thành đại sứ  Prezi?
Dưới đây là một clip giới thiệu về phần mềm thú vị này, hãy cùng xem và cảm nhận sự khác biệt!!!
Anh Thư

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS