Một góc của riêng mình

Năm tôi sắp lên lớp Mười Một, theo gợi ý của cậu Sáu, ba má cho tôi vô thành phố sống ở nhà cậu để có điều kiện học hành tốt hơn. Tôi rất hào hứng với chuyến đi. Nhà cậu Sáu rộng rãi, lại ở ngay mặt tiền đường lớn, đi đâu cũng thuận tiện. Nhờ mối quen biết, cậu hứa sẽ dễ dàng xin được cho tôi vào một trường trung học có tiếng. Nói chung là chẳng có gì phải đắn đo trước một thay đổi tốt đẹp như vậy.
Mọi thứ diễn ra đúng như kế hoạch. Cậu mợ rất hào hứng khi có thêm tôi là thành viên trong nhà. Cậu Sáu cứ nhắc hoài hồi xưa má tôi làm lụng vất vả, hy sinh cho mấy em ăn học thành tài. Nay có dịp thì cậu sẽ lo cho tôi để chị Hai vui. Tôi được dành hẳn một căn phòng ở lầu ba, nhìn xuống con đường tấp nập người qua lại. Khi tôi chạy xuống bếp xin mợ Sáu cho tôi phụ làm việc nhà, mợ xua đi ngay. Cậu mợ Sáu bận rộn với công việc kinh doanh vải nên đã nhờ sẵn một chị giúp việc bếp núc và coi sóc hai thằng nhỏ. Nói tóm lại, sống với cậu mợ, tôi chỉ cần học hành giỏi giang mà thôi.
Mừng có thêm thành viên mới, cậu Sáu tậu dàn karaoke hoành tráng. Tối nào mọi người cũng tụ tập hát hò. Cuối tuần mợ Sáu lại cho cả nhà đi ăn nhà hàng, tới rạp coi phim hoặc coi kịch hài. Chưa kể sau khi ngó qua mấy bộ đồ ít ỏi và sơ sài của tôi, mợ lắc đầu, nhất định dẫn tôi đi rảo các shop thời trang, mua sắm tủ quần áo mới. Hơn một tháng là tôi thấy mình trở thành người thành phố thiệt rồi. Nỗi lo bị xung quanh cười chê là “phèn”, là “lúa” bay biến không còn nữa.
“Hơn một tháng là tôi thấy mình trở thành người thành phố thiệt rồi. Nỗi lo bị xung quanh cười chê là “phèn”, là “lúa” bay biến không còn nữa…”
Niềm vui và hứng thú xẹp dần khi nhập học. Ở trường mới, năm học bắt đầu từ giữa tháng Tám. Bạn bè khá thân thiện với tôi. Nhưng tôi sớm nhận ra mối quan tâm lớn nhất của các bạn không giống như tôi nghĩ. Các bộ phim mới, quán xá, quần áo thời trang ít được nhắc tới. Ai cũng chú trọng việc học. Sau kết quả kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm, không khí trong lớp càng trở nên cạnh tranh. Tôi bắt đầu hiểu, nếu không chứng minh được mình, tôi sẽ trở thành một người thua sút, lạc lõng trong một tập thể toàn những người mạnh mẽ và học giỏi.
Ở trường về, tôi ngồi ngay vô bàn học. Nhưng cửa phòng đã đập rầm rầm. Hai nhóc em họ xông vào, rủ tôi chơi rượt đuổi. Một loáng đã tới giờ cơm chiều. Bữa ăn kéo dài, mợ Sáu rủ ngồi lại, coi tiếp tập cuối bộ phim truyền hình hấp dẫn. Tối thì tiếng karaoke ở tầng dưới vọng lên. Tôi không sao tập trung được vô dãy phưong trình Hoá học và mấy bài tập ngữ pháp tiếng Anh. Cứ thế, điểm số các môn ở trường của tôi chỉ dừng ở mức trung bình, có khi sụt thấp hơn. Không còn lo lắng nữa mà tôi cảm thấy sợ lắm. Nếu ở thành phố mà học còn sút hơn ở nhà, thì làm sao đậu đại học? Ba má và cậu mợ Sáu sẽ nghĩ gì, sẽ thất vọng thế nào?
Một buổi chiều được về sớm, đi bộ ngang qua một tiệm cà phê bánh ngọt nhỏ ở góc phố, tôi bỗng nhìn thấy tấm bảng treo trước cửa: tuyển nhân viên phục vụ. Một ý tưởng lóe lên. Tôi mạnh dạn đẩy cửa, vào gặp bác chủ tiệm và thế là tôi được nhận vào làm theo ca.
Cậu mợ Sáu đều sốc khi biết tôi xin việc làm thêm. Cậu sẵn sàng cho thêm khoản tiêu vặt. Nhưng tôi chỉ giải thích rằng tôi muốn được làm quen với tính tự lập. Còn lý do nữa tôi không thể nói ra với cậu mợ, đó là tôi muốn có một không gian yên tĩnh để học hành.
Nghe có vẻ kỳ lạ khi tìm một chỗ học nghiêm túc ở nơi làm thêm, lại là tiệm cà phê. Nhưng thực sự mọi việc đúng như tôi mong đợi. Bác chủ tiệm lớn tuổi rất hiền. Quán hầu như chỉ đông khách vào buổi trưa. Công việc của tôi là phục vụ thức uống và đồ ăn trưa theo yêu cầu của khách. Những lúc khác, tôi được ngồi trong góc khuất sau kệ báo và mấy chậu cây để học bài, có việc gì bác chủ sẽ gọi. Khách đến tiệm hầu hết là các anh chị nhân viên văn phòng nên rất ít khi có chuyện ồn ào. Với không khí yên tĩnh đó, tôi học mọi thứ dễ dàng. Tôi còn biết tranh thủ thời gian để làm bài tập nhanh, tận dụng từng phút giữa lúc mang đồ uống ra cho khách và lúc tính tiền để học thuộc một vài từ tiếng Anh mới. Không phải liền tức khắc, nhưng từng bước một, tôi thấy mình khá lên. Tôi đã có vài điểm chín, điểm mười đầu tiên trong ánh mắt động viên của các bạn cùng lớp.
Suốt năm cuối cấp bận rộn, tôi vẫn đến tiệm cà phê. Tôi cũng không xin tiền tiêu vặt của ba má hay cậu Sáu nữa vì đã có tiền làm thêm rồi. Bữa nào lãnh lương, tôi lại dẫn hai thằng em họ đi ăn kem, chơi điện tử. Cậu mợ Sáu thôi trách móc khi thấy tôi vui vẻ, tự tin, và quan trọng nhất là điểm số trong sổ liên lạc luôn trên mức khá.
“Bản nhạc trên loa được vặn khẽ, để tôi tập trung cho bài vở. Trong cái góc nhỏ vừa chung vừa riêng đó, tôi đã thu lượm kiến thức để vượt qua các kỳ thi thật hài lòng”
Gần đến kỳ thi tốt nghiệp và chuẩn bị thi đại học, tôi xin bác chủ tiệm nghỉ làm. Như một món quà nhỏ bất ngờ, bác bảo tôi đừng ngại, không làm cũng được, nhưng cứ đến tiệm mà học. Tôi sẽ không bao giờ quên những giờ ngồi cạnh bức tường kính, nắng sáng chiếu lên trang tập. Bản nhạc trên loa được vặn khẽ, để tôi tập trung cho bài vở. Trong cái góc nhỏ vừa chung vừa riêng đó, tôi đã thu lượm kiến thức để vượt qua các kỳ thi thật hài lòng.
Khi viết lại câu chuyện này, tôi đang là sinh viên năm nhất. Tôi vẫn đến tiệm cà phê thân quen khi có việc cần suy nghĩ, hay khi cần một nơi gặp gỡ trò chuyện với đám bạn thân. Không mình tôi đâu, mà các bạn tôi ai cũng từng có góc riêng nho nhỏ: Một chỗ ngồi ở thư viện. Một gốc cây trong công viên. Có khi là cái bàn học trong ngôi nhà chật… Không nhất thiết phải tiện nghi rực rỡ, giản dị thôi cũng được, ai cũng cần tìm một nơi để được là chính mình. Ở đó, mỗi người đều lặng lẽ thay đổi và trưởng thành lên.

                                                                   Huỳnh Thư

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét