Nếu cứ mãi tự ti…

Tôi còn nhớ, khi còn là học sinh trung học tôi ghét bị gắn cho ba chữ “còn thụ động” dù tôi biết chắc là mình...thụ động thật. Vì khi đó tôi luôn có mặc cảm mình là một đứa học sinh kém nhất trong một cái lớp chuyên toàn là những con người học giỏi và luôn đạt được những thành tích cao. Cái vỏ bọc của sự tự ti có lẽ đã khiến cho tôi “thụ động” thật sự, nhưng trong thâm tâm tôi lại có những ý định sẽ bùng nổ ngay khi có cơ hội. Nhưng vì cứ mãi tự ti và e ngại nên tôi chưa bao giờ dám bùng nổ các bạn ạ. Nói thế để các bạn cũng có thể hình dung được một trong những nguyên nhân mà con người Việt Nam mình còn thụ động là do mặc cảm và tự ti về một đất nước nghèo, kém phát triển vì hậu quả của chiến tranh, sự tụt hậu quá xa so với thế giới thế giới đã khiến cho người Việt Nam chẳng màng chạy theo làm chi nữa mà chỉ biết “an phận” thôi.
    Khi đất nước bắt đầu bước vào thời kì hội nhập, sự đa dạng các nền văn hóa, sự thâm nhập của nền kinh tế mở cửa, sự choáng ngợp của những qui trình công nghệ hiện đại phát triển, người Việt Nam chúng ta dường như lại có dấu hiệu của sự hòa tan chứ không phải hòa nhập. Một bộ phận tiếp thu cái văn minh hội nhập một cách an phận, họ bị chai lì trong tư duy và biếng nhác trong việc tìm ra hướng đi mới và khác biệt so với những gì đang ùa ạt tràn vào trong nhận thức của người Việt, nhất là những người trẻ.
    Đã cũng nhiều năm nay rồi người ta thường hay nhắc tới cái cụm từ “chảy máu chất xám”, việc trí tuệ dân tộc Việt như bị "đóng gói" xuất khẩu sang các nước phát triển ngày càng trở nên phổ biến. Khi điều kiện tiếp cận cuộc sống hiện đại và mức sống cao gấp hàng chục lần so với ở Việt Nam thì những tài năng trẻ lựa chọn lối đi có trải thảm và rải đầy hoa hồng cho tương lai bản thân họ là điều dễ hiểu.
    Bạn có hay xem tivi không? Bạn thấy những gameshow hiện nay như thế nào? Thật tình thì tôi có một chút thất vọng khi phủ khắp các kênh truyền hình trong nước hiện nay là nhan nhản các chương trình cộp mác bản quyền nước ngoài. Cũng dễ hiểu cách làm kinh doanh của các nhà đài khi mượn tiếng vang của các chương trình xứ người để đem về thực hiện tại Việt Nam. Nhưng điều đó vô tình lại tạo ra những nghịch lí như thí sinh chỉ hát toàn tiếng nước trong cuộc thi tôn vinh giọng hát Việt, người nấu món ăn ngoại thì được cho rằng tay nghề đẳng cấp. Không phải tôi bảo thủ khi nói ra những điều này mà chỉ tiếc, chỉ tiếc là tại sao người Việt Nam chúng ta không tạo ra được những chương trình như thế?Quay lại với kì thi đại học năm nay, à mà là tất cả các kì thi đại học trước đây, chắc hẳn nhà nào sắp có một sĩ tử đi thi đại học thì y như rằng bố mẹ, bà con họ hàng cũng sẽ bàn tán, thêm chút bình luận vào con đường nghề nghiệp của sĩ tử ấy. Nào là đi theo ngành này có người quen của bố, vào nghiệp này có người bạn của mẹ đỡ đầu cho con, bác A/B/C làm chức cao tại cơ quan XYZ hứa hẹn cho con một ghế ngồi sau khi ra trường…v.v.v…Theo tôi, điều đó vô hình chung đã làm cho một số bạn trẻ cảm thấy như con đường tương lai như được định sẵn, cần chi mà phải tìm kiếm ước mơ mà theo đuổi.
    Tôi đã nghe những du học sinh Việt Nam ra nước ngoài học nhận định về giáo dục nước nhà rằng, từ khi còn tiểu học thầy cô đã như những con dao, cái kéo sẵn sang gọt bỏ những ý tưởng khác thường để nó đi theo một cái khuôn, khiến cho từ nhỏ chúng ta đã ngại với việc thêm chút mắm, chút muối vào những ý tưởng của cá nhân. Từ nhỏ trẻ em Việt Nam đã phải tập quen với việc ăn theo khẩu vị của người lớn, mà người lớn thì đâu biết rằng khi trẻ em lớn thì thế giới này đã tạo ra vô vàn những loại gia vị khác.
    Suy cho cùng, xã hội luôn cần những con người trẻ biết lao động, biết sáng tạo và hơn hết là biết cạnh tranh với thế giới chứ không phải học nhiều, hiểu rộng rồi chỉ biết đi vay mượn tinh hoa người ta rồi đem về thể hiện mình. Chẳng khác nào chúng ta đang bị hòa tan mất rồi chỉ vì chúng ta quá thụ động.

    • Digg
    • Del.icio.us
    • StumbleUpon
    • Reddit
    • RSS

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét