Mùa thi đại học năm ấy

3 năm về trước, sau đợt thi đại học khối A xong, tôi đã đổ bệnh và nằm trên giường suốt 3 ngày, trong khi khối D mới là khối thi chính thức. Càng gần ngày thi khối D, áp lực trong tôi càng giảm, vì tôi biết, tôi khó mà đậu nổi sau đợt này…
Nhưng rồi kì tích vẫn xuất hiện. Tôi vẫn hoàn thành bài thi thật tốt. Cho dù sau khi thi xong, tôi tiếp tục…đổ bệnh thêm 2 tuần nữa.
Những ngày này, tôi đang trong giai đoạn thực tập. Vài tháng nữa thôi, sau khi kết thúc đợt thực tập, tôi sẽ chính thức ra trường. Soạn lại kệ sách để tìm tài liệu ôn bài, phiếu báo thi bất chợt rơi ra. Mới đó mà 3 năm trôi qua rồi… Kí ức còn mới nguyên, đề cương Toán — Văn — Anh vẫn được đặt ngay ngắn, và nỗi áp lực trong tôi chợt hiện về, cứ như tôi vẫn là học sinh cuối cấp vậy…
Ngày ấy, mang tiếng là “ôn thi” nhưng học trò 12 chúng tôi không có nhiều thời gian để tự học. Lớp tôi là lớp chọn nên nổi tiếng với truyền thống “học thêm” ngay từ khi lớp 10. Có bạn “chạy sô” học thêm 6 môn học, có những bạn 1 môn mà luyện thi đến 2 nơi… Họ ra khỏi nhà vào tờ mờ sáng và về nhà lúc trời tối mịt. Không có thời gian tự học tại nhà. Ngày ấy, chúng tôi không nhận ra rằng, đôi khi tự học ở nhà lại hiệu quả hơn là ôn luyện. Bởi môn tôi ôn luyện 2 chỗ, lại là môn tôi có điểm thấp nhất, trong khi môn tự học tại nhà, lại là môn có điểm cao nhất.
Gặp nhau tại những nơi luyện thi, chúng tôi chỉ cười chào với nhau và hỏi những câu liên quan đến bài học. Thầy cô bước vào, cả lớp im phăng phắc. Mọi người đều tập trung hí hoáy ghi chép trong khi thầy cô giải đề với tốc độ tên lửa. Bước ra khỏi phòng học, chúng tôi mệt phờ và chẳng có hứng ăn uống.
Nếu bạn hỏi rằng gần thi đại học, các bạn cuối cấp có áp lực quá không, thì tôi xin thưa là không. Càng gần thi họ càng…tỉnh táo vì cảm thấy bản thân học bao nhiêu cũng không đủ. Chúng tôi thi trong trạng thái: “Không đậu thì trượt, trượt thì học nguyện vọng 2” và hiểu rằng nếu chúng tôi cứ lo thì sẽ có kết quả thảm hại. Trước ngày thi đại học 1 tuần, trung tâm luyện thi chật kín, không còn chỗ trống. Tôi học mà đầu óc bay bổng nơi đâu, bởi phòng học quá nóng, quá đông và các bạn xung quanh nói chuyện quá ồn làm tôi ngộp thở.
Vì vậy, để giảm bớt áp lực, tôi chỉ luyện thi 2 môn. Với môn Văn, tôi tự ôn tại nhà. Có những ngày tôi chỉ toàn đọc sách Văn, đọc mà không biết có nhớ gì không, hiểu gì không. Những buổi chiều lộng gió, tôi thường ngồi trước hiên nhà chống cằm, mơ màng về việc tôi đã là sinh viên đại học. Lúc đó biết bao kế hoạch thú vị đang chờ. Tôi và người yêu sẽ được đi chơi nhiều hơn, làm được nhiều thứ mình muốn hơn..
Tôi thi khối A để thử sức nên không thấy áp lực, chỉ làm hết khả năng của mình. Nhưng sau kì thi môn Lí, tôi bị cảm và phải nằm trên giường suốt những ngày sau đó. Lúc ấy, tôi bắt đầu hoang mang. Tôi nhận ra mình đã học hành quá nhiều nhưng chưa hiệu quả. Ngồi trong phòng thi “căng não” suốt 3 tiếng, cộng với tiết trời oi bức, nên tôi đã đổ bệnh ngay khi về nhà. Lúc ấy, tôi chỉ mong sao mình đủ sức khỏe để thi khối D, chứ không mong đậu, vì tôi hiểu rằng, đã quá muộn để có thể hối hận vào lúc này. Nếu thời gian quay trở lại, có lẽ tôi sẽ học theo cách khác, đơn giản hơn, có khoa học hơn.
Ngày thi khối D, sức khỏe tôi hồi phục được một ít nhưng vẫn đau đầu. Nhưng điều làm cho tôi được tiếp thêm sức mạnh tinh thần đó là…phòng thi quá vắng và quá rộng. 40 thí sinh, nhưng chỉ 15 bạn đến thi. Biết đâu họ cũng đổ bệnh như tôi sau đợt thi trước, nhưng họ đã chọn cách từ bỏ, còn tôi lại tiếp tục.
Sáng nay, tôi sẽ lên công ti thực tập, sẽ đi xe buýt và cũng sẽ chứng kiến cảnh tượng phụ huynh chờ con, gương mặt lo âu từ các sĩ tử, sự nhiệt huyết của các bạn sinh viên tình nguyện… Có bạn đậu, cũng sẽ có bạn trượt. Nhưng kỉ niệm về kì thi quan trọng nhất trong đời, tôi biết họ sẽ không quên. Năm nào cũng thế, nhiều thứ đổi thay, nhưng khi có những kí ức được gợi về, từng thứ trong ta lại hiện về, rõ rệt…

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét:

Đăng nhận xét